October 1, 2015

- Kiểm Soát Căng Thẳng


Căng thẳng là phản ứng về tâm lý và thể chất của con người khi phải đối mặt với các tình huống có yêu cầu cao.


Sự căng thẳng có thể đến từ nội tâm khi chúng ta sợ rằng sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của bản thân, hoặc có thể do chúng ta không có khả năng đáp ứng yêu cầu từ công ty, tổ chức tài chính (hãy lấy ví dụ về việc trả nợ thẻ tín dụng của bạn), người bạn đời, người thân trong gia đình hay ai đó khác. Mặc dù căng thẳng nảy sinh do chúng ta giả định về điều mà người khác đang mong muốn, nhưng tính chính xác của những giả định này lại bất định.


Khi bị căng thẳng chúng ta cảm thấy như tỉnh thức cao độ và trải qua một loạt các phản ứng về cảm xúc, từ cảm xúc có động lực mạnh mẽ để đạt được mục tiêu, biến thành ngột ngạt, cáu kỉnh và lo lắng. Căng thẳng có thể gây ra các triệu chứng về thể chất như căng cơ, đau đầu, đau dạ dày, buồn nôn, rối loạn giấc ngủ và bồn chồn.


Căng thẳng tuy vậy không phải lúc nào cũng có hại. Theo góc độ tiến hóa luận, căng thẳng làm kích hoạt hệ thống thần kinh tự chủ, gây ra “phản ứng đương đầu hoặc bỏ chạy” – là phản ứng rất quan trọng cho sự sống còn của động vật. Trong xã hội ngày nay sự căng thẳng khiến chúng ta làm việc chăm chỉ hơn, làm xong công việc đúng thời hạn và hoàn thành các nhiệm vụ mà nếu không có áp lực thì rất có thể sẽ trở nên dở dang.
Tuy nhiên căng thẳng quá mức hay triền miên lại có hại cho sức khỏe, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trầm cảm và kiệt sức
Trầm cảm, lo lắng và kiệt sức đôi khi cùng được dùng để miêu tả về tình trạng căng thẳng nhưng vẫn có một vài đặc điểm quan trọng để phân biệt sự khác nhau giữa chúng.
Trầm cảm là trạng thái sức khỏe ốm yếu kéo dài. Nó có thể phát sinh mà không cần một nguyên nhân ngoại cảnh nào và thường thì sức khỏe không hề cải thiện ngay cả khi các vấn đề ngoại cảnh đã được giải quyết. Trầm cảm thường được chữa trị hiệu quả với sự hỗ trợ về liệu pháp tâm lý nhưng đôi khi người bệnh còn được yêu cầu phải thiền định. Những người bị trầm cảm dễ trở nên căng thẳng ngay cả với những tác động tương đối nhỏ nhặt.
Tình trạng kiệt sức đòi hỏi chúng ta phải nghỉ ngơi hoặc thay đổi thói quen nào đó
Kiệt sức là thuật ngữ không liên quan đến y học dùng để chỉ trạng thái suy kiệt. Trong khi tình trạng căng thẳng có thể làm nâng cao năng suất lao động thì kiệt sức lại thường đi kèm với sự hoài nghi yếm thế và năng suất lao động giảm sút. Những người được chẩn đoán bị kiệt sức thường cảm thấy mệt mỏi, chán chường và họ cảm thấy như mất đi cảm giác vui sống.
Những nghiên cứu trước đây về tình trạng kiệt sức thường tập trung vào môi trường làm việc, nhưng không chỉ vậy, nó còn xảy ra trong bối cảnh các mối quan hệ, đòi hỏi của gia đình hay thậm chí là do việc đeo đuổi sở thích, đam mê. Để cải thiện tình trạng do kiệt sức gây ra cần phải có thời gian nghỉ ngơi hoặc một sự thay đổi nào đó. Nếu tình trạng này không được xử lý thì sự mệt mỏi và chán chường có thể ảnh hưởng đến cả những mặt khác trong cuộc sống của bạn.

Những nguyên nhân gây căng thẳng
Theo nghiên cứu về chứng căng thẳng với sức khỏe năm 2014 tại Australia của Hiệp hội Australian Psychological Society, một phần tư số người Australia đã trải qua các mức độ căng thẳng từ vừa cho đến cao trong vòng 12 tháng gần nhất. Căng thẳng thường gặp nhất ở giới trẻ Australia từ 18-35 tuổi.
Các vấn đề về tài chính, công việc hay mối quan hệ là những nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng căng thẳng ở thanh niên Australia trong khi vấn đề về sức khỏe lại là mối lo gây căng thẳng ở những người lớn tuổi hơn.
Cũng giống như các khía cạnh của sức khỏe và hạnh phúc, bộ gen và môi trường sống có mối quan hệ tương tác gây ảnh hưởng lên mức độ dễ bị căng thẳng của mỗi người. Nếu về bản chất bạn không phải là người linh hoạt, mà đặc điểm này lại dễ bị di truyền, và bạn đã trải qua một tuổi thơ bất hạnh và trắc trở, ví dụ như vậy, thì bạn có nguy cơ dễ phản ứng kích động do căng thẳng trước những đòi hỏi đặt ra dù tương đối vụn vặt.
Tính cách cá nhân chắc chắn có ảnh hưởng đến mức độ căng thẳng mà mỗi người cảm thụ. Đặc biệt những ai có xu hướng cầu toàn (chứng ám ảnh) và đặt nhu cầu của người khác trước nhu cầu của mình hoặc tìm kiếm sự đồng thuận của người khác (bị phụ thuộc) dễ bị căng thẳng nhất.
Tuy nhiên có những tính cách như vậy không hẳn đã là không tốt. Xu hướng bị ám ảnh làm cho người ta thành công khi công việc đòi hỏi họ chú ý đến từng chi tiết. Lấy ví dụ là bác sĩ phẫu thuật, luật sư và kế toán; nhưng cá nhân đó cũng phải trả cái giá nào đó cho sự thành công.

Kiểm soát căng thẳng
Căng thẳng là một phần của cuộc sống; mục tiêu của chúng ta nên là kiểm soát hơn là lảng tránh nó. Điều này có thể làm được thông qua các phương pháp phòng ngừa và đối phó.
Quản lý thời gian, quản lý chi tiêu, thiết lập các thói quen lành mạnh (như ngủ đủ giấc, tập luyện thường xuyên và ăn uống lành mạnh), tham gia các hoạt động xã hội và theo đuổi các sở thích đều là những cách quan trọng giúp chúng ta tăng cường khả năng phục hồi nhanh chóng và phòng ngừa bị căng thẳng quá mức.
Tuy vậy một khi bị quá tải bởi căng thẳng thì những cách như trên nên được hỗ trợ bởi các liệu pháp can thiệp về tâm lý mà bạn có thể xem tại đây. Nguyên tắc quan trọng để kiểm soát căng thẳng gồm có nhận biết sự căng thẳng và xác định những nguyên nhân (và, nếu được thì xử lý chúng) gây ra sự căng thẳng đó, các cách thư giãn và giữ trí não thuần tịnh.
Ngoài ra có một cách có thể mang lại lợi ích cho bạn đó là thử tư duy theo các cách khác nhau. Lấy ví dụ, khi được giao làm một dự án, một nhân viên sẽ cảm thấy phấn khích nếu coi đây là cơ hội được phát triển các kỹ năng mới và làm đẹp thêm cho sơ yếu lí lịch làm việc, nhưng một nhân viên khác, với cùng dự án đó cứ cho rằng họ được yêu cầu làm công việc ngoài bảng mô tả công việc của mình hoặc cứ thấy nhiệm vụ được giao thêm này không công bằng, người như thế sẽ có cảm xúc tiêu cực, và điều này dẫn đến căng thẳng.
Mặc dù các nguyên tắc kiểm soát căng thẳng là dễ hiểu nhưng áp dụng vào thực tế lại không hề dễ dàng. Tiếp thu các kỹ năng kiểm soát căng thẳng cũng giống như cải thiện sức khỏe hoặc giảm cân. Thường thì chúng ta cần có huấn luyện viên riêng giúp chúng ta đạt được những mục tiêu này. Tương tự như vậy, các chuyên gia tâm lý học và các chuyên gia y tế khác có thể hỗ trợ chúng ta kiểm soát căng thẳng tốt hơn, để đối phó hiệu quả hơn với yêu cầu của hoàn cảnh đặt ra.
Có mối liên hệ ngày càng gia tăng giữa tình trạng căng thẳng với sự chú trọng của xã hội vào vấn đề năng suất. Có thể cho rằng các ông chủ có vai trò giáo dục nhận thức và đưa ra can thiệp tại nơi làm việc để ngăn chặn các tác động tiêu cực do căng thẳng thường đi kèm với đòi hỏi ngày càng gắt gao trong công việc.

Bạn đừng lo lắng
Không giống như chứng trầm cảm hoặc kiệt sức, căng thẳng không hẳn là không tốt nếu chúng ta kiểm soát tốt. Tuy nhiên căng thẳng kéo dài và quá mức có thể gây ra tác hại lên sức khỏe tinh thần và thể chất như tăng nguy cơ bị tiểu đường, cao huyết áp, thừa cân và hút thuốc.
Việc nhận thức được các nguyên nhân gây căng thẳng và có các biện pháp kiểm soát một cách tích cực đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần và sự hạnh phúc của người dân Australia trong năm 2015.





James Scott, The University of Queensland 

No comments:

Post a Comment